Thời điểm này khi thời tiết còn chưa nóng, giá điều hoà vẫn còn khá rẻ, nên chỉ từ 5 triệu đồng là đã có thể sở hữu 1 chiếc điều hoà mới. Nhưng nhiều người lại thích dùng những chiếc điều hoà của Nhật cũ có tuổi thọ hơn chục năm.
Điều hòa Nhật bãi được quảng cáo ra sao
Theo lời quảng cáo trên mạng của dân buôn điều hòa Nhật bãi thì: “Điều hòa nội địa Nhật hiện nay đều dùng ga R410 (một loại ga bảo vệ môi trường và không lạnh ngắt như gas R22), còn ở Việt Nam đa số điều hòa đều dùng gas R22 ( loại gas này ở Nhật Bản đã cấm dùng). Nó tốt hơn và bảo vệ môi trường.
Điểm đặc biệt nhất của điều hòa nội địa Nhật là nó không làm da bị khô, nứt nẻ và bị viêm họng, đau rát cổ hay khó thở. Ngoài ra điều hòa Nhật còn có chức năng ion Plasma, oxy, auto clean giúp không khí nhà bạn luôn trong lành, mát mẻ.
Ngoài ra, nó còn tiết kiệm 50% đến 70% điện năng, tình trạng máy hoạt động rất tốt và được bảo hành 12 tháng.
Mặc dù điều hòa Nhật đã qua sử dụng nhưng vẫn còn rất mới và đẹp, làm lạnh nhanh. So với các máy mới xuất xứ và lắp ráp ở Trung Quốc thì máy điều hòa Nhật bãi còn sử dụng rất tốt và bền.
Sự khác biệt giữa máy điều hòa Việt, Thái, Malaysia và điều hòa Nhật bãi là ở cục nóng. Cục nóng của điều hòa Nhật bãi nặng hơn nhiều so với cục nóng của điều hòa của Việt Nam.”
Thực hư điều hòa Nhật bãi có tốt như quảng cáo
Để hiểu rõ hơn về chiếc điều hòa này, PV đã tìm hỏi anh Kiên, một người chuyên kinh doanh các loại điều hòa thì: “Điều hòa dùng gas R410 là loại tốt nhất hiện nay và bảo vệ môi trường, nhưng nó sẽ đắt hơn các loại gas bình thường khác.”
“Còn quảng cáo không làm khô da, nứt nẻ da thì không có thật, vì công nghệ tốt nhất bây giờ cũng chưa làm được. Mới chỉ có một số loại điều hòa có tính năng người đi đâu thì khí lạnh đi theo đến đó”, anh Kiên nói.
Cũng theo anh Kiên: “Cục nóng nặng hay nhẹ thì chẳng ảnh hưởng gì tới chất lượng của điều hoà, nên những lời quảng cáo trên mạng là không thực tế.”
“Tuy nhiên, điều hòa Nhật bãi không phải không tốt. Thậm chí, nó còn tốt hơn cả những loại điều hòa mới trên thị trường hiện nay nhiều”, anh Kiên cho biết thêm.
Cụ thể về dòng điều hòa này, anh Kiên cho biết: “Hiện trên thị trường cũng không có điều hòa Trung Quốc, vì ngoài điều hòa mới, khách rất ưa điều hòa nội địa Nhật. Mùa này chưa phải đỉnh điểm nóng nên giá cũng ngang 1 chiếc điều hòa mới, khoảng 5 - 6 triệu đồng.”
“Mua loại này cũng hơi mạo hiểm một chút vì tuổi thọ của chúng đã khá cao, có nhiều chiếc sản xuất từ những năm 2000. Nhưng mua ở chỗ thân quen mà có thợ bảo hành thì cũng yên tâm”, anh Kiên chia sẻ thêm.
Điều hòa Nhật bãi được khách hỏi mua nhiều theo anh Kiên là bởi: “Khách hỏi mua loại này hầu hết là người cũng am hiểu về dòng điều hòa cũ này. Nó chỉ chạy điện 110 nên tiết kiệm điện hơn và máy nội địa Nhật nên dù hơn chục năm vẫn dùng tốt, máy êm ru.”
“Nhưng hàng về Việt Nam đa phần là điều hòa cơ, dòng Inverter nhập về mà hỏng thì rất khó sửa. Do nó chạy điện 110 nên bo mạch và linh kiện mình không có”, anh Kiên khẳng định.
Lãi đậm nhưng cũng có rủi ro
Ngoài ra, các dân buôn cũng không dám nhập điều hòa Inverter Nhật bãi về Việt Nam vì hàng này chủ yếu là đánh qua đường biển. Mỗi lần hàng về là vài nghìn cái, hàng cứ lênh đênh trên biển cả tháng mới về tới Việt Nam. Thời gian lâu như vậy, hơi nước mặn bốc lên ngấm vào bo mạch, về đến nơi đa phần là hỏng.
Thời điểm này khi thời tiết chưa thực sự oi nóng, giá bình quân của những chiếc điều hòa cũ này rơi vào khoảng 5 - 6 triệu đồng/cái. Nhưng chỉ cần vào đợt nóng cao điểm thì giá của chúng gần như sẽ tăng gấp đôi.
Với giá 5 - 6 triệu đồng/cái, dân buôn gần như đã lãi gấp 3 lần. Vào mùa nóng thì riêng giá điều hòa chưa tính công lắp và tiền dây đồng cũng có thể gấp 5 lần giá nhập. Bởi nhập buôn từ Nhật về chỉ 1 - 2 triệu đồng/cái.
Anh N.H. (Hà Đông, Hà Nội) là một dân buôn điều hòa cho biết: “Vào vụ hè, điều hòa nào cũng cháy hàng, không năm nào điều hòa không cháy hàng. Nên một số anh em bạn bè trong nghề của tôi chuyển hẳn sang kinh doanh hàng này do lãi cao hơn. Có bảo hành 12 tháng cho khách thì bán rất dễ, chỗ bạn bè họ dùng thấy tốt lại giới thiệu cho người nhà đã bán không đủ hàng rồi."
"Cái khó của mùa cao điểm là chỉ thiếu thợ đi lắp. Và ngoài ra, nó còn có một rủi ro nữa là hàng nhập về là hàng cũ nên trong một lô hàng không tránh khỏi việc phải vứt đi nguyên vài cái. Một số thì hỏng hóc phải sửa nhiều, nhưng cũng phải lấy cái nọ bù cái kia”, anh Hùng cho biết thêm.
Theo Dân Trí